An toàn sinh học trong chăn nuôi
09:31 - 26/07/2023
(MTNT) - Đó là hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và cũng là định hướng phát triển chăn nuôi của ngành nông nghiệp nhằm bảo vệ đàn vật nuôi hiệu quả hiện nay.
Về công tác vệ sinh phòng bệnh nên hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi



Chăn nuôi an toàn sinh học là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong; không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi. Đây là giải pháp tối ưu để phát triển chăn nuôi bền vững…


Đối với con giống yêu cầu phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có khuyết tật. Bà con chỉ mua con giống ở các cơ sở chăn nuôi không có dịch bệnh, giống mới mua về phải nuôi cách ly với đàn cũ ít nhất 1 tuần.


Lưu ý: Nếu tự sản xuất con giống, không chọn giống trống và mái nở ra trên cùng đàn để nuôi sinh sản vì dẫn đến hiện tượng cận huyết ở đời sau.


Giống sinh sản phải có ngoại hình đẹp, không có khuyết tật, dáng đi chắc khỏe. Yêu cầu về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi phải thoáng mát, khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Nuôi gia cầm trong nông hộ cần có chuồng, xung quanh vườn phải có hàng rào bao quanh; không được thả rông gia cầm.

 
 Chuồng nuôi phải cách ly với nhà ở, không nhốt chung gia cầm trong khu chuồng nuôi trâu, bò, heo và không nuôi chung các loại gia cầm với nhau. Trước chuồng nuôi có khay hoặc hố sát trùng. Không để các phương tiện đi lại (xe máy, xe đạp…) cạnh chuồng nuôi. Cần có đầy đủ máng ăn, máng uống. Nếu nuôi sinh sản phải bố trí chỗ đẻ và ổ đẻ cho phù hợp với từng giống gia cầm nuôi.

 
 Yêu cầu về thức ăn, nước uống: Đối với nuôi gia cầm nhốt hoàn toàn hoặc vừa nhốt vừa thả đều phải cho ăn thức ăn tinh hàng ngày theo nhu cầu dinh dưỡng của loại giống, lứa tuổi. Không cho gia cầm ăn thức ăn mốc, thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang bị dịch bệnh. Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng. Không để đàn gia cầm uống nước bẩn. Không cho gia cầm uống nước lạnh dưới 80C hoặc nóng trên 300C.


 Chăm sóc nuôi dưỡng: Đối với gia cầm giai đoạn “úm” là rất quan trọng (giai đoạn “úm”: tính từ khi gia cầm nở đến khoảng 15-20 ngày) vì vậy cần có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng đặc biệt.


 Về nhiệt độ phải đủ ấm; trong 3 ngày đầu nhiệt độ trong quây từ 30-350C, những ngày sau nhiệt độ giảm mỗi ngày 10C cho đến khi nhiệt độ đạt 20-250C. Hoặc có thể quan sát sự phân tán đàn gia cầm trong quây để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.


Về ăn, uống cho gia cầm ăn hỗn hợp đầy đủ chất dinh dưỡng: phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của từng đối tượng và phương thức, mục đích chăn nuôi gia cầm nuôi.


 Sau 2 tuần nếu thời tiết ấm có thể thả gia cầm ra vườn, ra ao(nếu nuôi theo hình thức chăn thả) có hàng rào bao quanh. Cung cấp đầy đủ nước sạch và thức ăn tinh cho đàn gia cầm. Nếu nuôi gia cầm sinh sản thì nhặt trứng ít nhất ngày 2 lần, bảo quản trứng nơi thoáng mát, khô ráo, sạch sẽ. Hàng ngày vệ sinh sát trùng máng ăn, máng uống sạch sẽ. Trước khi vào khu vực nuôi gia cầm người chăn nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và mặc quần áo bảo hộ.

 
Về công tác vệ sinh phòng bệnh nên hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã. Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi. Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia cầm theo quy định (đặc biệt cần phải tiêm phòng triệt để vắc xin Cúm gia cầm) .


Khi gia cầm có triệu chứng bỏ ăn, ủ rũ phải báo ngay cho nhân viên thú y. Sau khi xuất bán gia cầm, cần vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, khu vực chăn nuôi, vườn chăn thả. Thu gom phân đánh đống ủ kỹ (từ 15-30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh. Để trống chuồng ít nhất 15 ngày trước khi đưa đàn gà mới vào nuôi. Nếu bị dịch bệnh thì phải để trống chuồng ít nhất 3 tháng.

 
 Thực hiện việc không chăn thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan,  bảo đảm vệ sinh môi trường.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, năm 2023, đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 9 triệu con, sản lượng thịt đạt 49.000 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung hướng chăn nuôi an toàn sinh học.


Tỉnh hiện có 107 trang trại chăn nuôi gia cầm (76 trang trại gà và 31 trang trại vịt) với tổng đàn 6,4 triệu con, tăng 40,8% số trang trại chăn nuôi gia cầm so với năm 2017. Trong đó, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận; một vùng thuộc huyện Dương Minh Châu và sáu cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 74 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.


Tây Ninh xác định xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật là quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh hoàn thành xây dựng thêm vùng an toàn dịch bệnh (cúm gia cầm và Newcastle) trên gà tại hai huyện Tân Biên và Tân Châu.


Ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

 
Tại huyện Dương Minh Châu, địa phương có nhiều trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, cho thấy, nông dân tại đây đã đầu tư chuồng trại rất hiện đại, khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trang trại chăn nuôi gà lạnh Trường Thịnh (xã Phước Ninh) là trang trại gà lạnh là điểm đầu tiên trên địa bàn huyện áp dụng làm nền chuồng độn trấu, rắc vôi và phun khử trùng tiêu độc thường xuyên... nên không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng.


Điều này giúp giảm công lao động, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, trang trại tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm. Hiện trang trại này nuôi gia công khoảng 30.000 con gà/lứa cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Ðể đáp ứng yêu cầu của đối tác, trang trại phải tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn sinh học.


Theo Ủy ban nhân dân huyện Dương Minh Châu, huyện đã được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle trên gia cầm. Số liệu thống kê cho thấy, tổng đàn gia cầm của huyện là 1.271.482 con gà (tăng 18,95% so năm 2012) và 31.600 con vịt.

An toàn sinh học trong chăn nuôi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng



Trong đó, nuôi trang trại là 1.187.200 con, chiếm 93,3% tổng đàn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi an toàn sinh học với 21 cơ sở chăn nuôi và 11 xã, thị trấn được công nhận an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.


Có thể khẳng định, việc áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn cung cấp cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.


 

Minh Xuân
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

Nông dân với chương trình môi trường nông thôn